Ăn phở mà thiếu đi rau ghém chẳng khác nào ra đường quên đánh răng, rửa mặt. Vậy nên, hãy lưu lại 12 loại rau ăn phở dưới đây để khi có dịp chế biến món ngon cổ truyền này, chúng ta có thể lựa mua theo khẩu vị nhé!
1. Rau ăn phở bao gồm những loại nào?
1.1 Mùi tàu (ngò gai)
Mùi tàu là cây thân cỏ, ít khi vươn cao. Thân phân nhánh sớm tạo nhiều lá. Lá dạng thuôn dài, kích thước khoảng 6-8cm, dọc đường viền có nhiều cạnh gai sắc.
Đây là loại rau thơm dễ nhận dạng nhất, thậm chí có thể lấn át các loại rau gia vị khác khi thưởng thức cùng.
Tuy nhiên, lại rất “hợp rơ” với món ăn này. Nếu thưởng thức phở mà thiếu đi vài cọng mùi tàu thì đâu còn tròn vị.
1.2 Hành lá
Hành có nhiều tinh dầu, mang vị hăng nhẹ nhưng khi được xử lý qua nước sôi già thì sẽ mất hăng, lộ vị ngọt thấy rõ và ăn cực giòn.
Do đó, trong tô phở phục vụ khách ở mọi hàng quán không thể thiếu đi loại rau “quốc dân” này.
Theo Đông y, hành có khả năng hỗ trợ tuần hoàn máu, giải cảm, diệt khuẩn và có lợi cho đường bài tiết.
Dưới góc nhìn khoa học, hành lại chứa hàm lượng lớn vitamin C, axit folic và chất xơ, đặc biệt tốt cho sức đề kháng của cơ thể.
Vậy nên khi thưởng thức phở, bạn đừng quên loại rau ghém này nhé!.
1.3 Húng quế
Húng quế là loại rau gia vị có tính ứng dụng rất cao trong ẩm thực Việt Nam. Rau được dùng khi chế biến các loại nộm, làm dồi, ăn kèm thịt chó, nem, bánh cuốn, phở và nhiều món nước khác.
Húng quế có hương thơm rất dễ chịu và ngay cả khi ăn, bạn cũng cảm thấy vị ngọt mát của loại rau thơm này. Đặc biệt là khi nhúng vào nước dùng nóng hổi thì đảm bảo ngon “thụt lưỡi”.
Ngoài hương vị thơm ngon, húng quế còn được nhiều người đánh giá cao bởi khả năng giảm bệnh tật, giảm sốt, tiêu độc khử trùng.
Và nhìn chung, chúng có vai trò giải cảm, phục hồi sức khỏe tương tự như lá kinh giới, tía tô.
1.4 Mùi ta (Ngò rí)
Trong 1 tô phở nóng có thể thiếu nhiều loại rau nhưng không thể không có sự góp mặt của mùi ta. Rau mang hương phảng phất, nhẹ nhàng, vị cực dễ ăn nên không hề kén đối tượng phục vụ.
Ngoài ra chúng còn rất có lợi cho đường tiêu hóa, giảm mỡ máu và làm đẹp da.
Loại rau gia vị này có tính ứng dụng rất cao cả khi nấu và ăn phở. Trong quá trình chế biến nước dùng, người ta thường cho thêm hạt mùi rang, rễ mùi để tăng mùi vị.
Khi phục vụ khách, mùi thường được thái nhỏ cho vào tô sau khi đã rưới nước dùng. Ngoài ra, nhiều người còn nhúng nguyên cọng mùi vào bát phở nóng để thưởng thức cho đã miệng.
1.5 Giá đỗ
Giá được tạo ra từ quá trình ươm mầm các loại đậu và phổ biến nhất là đậu xanh. Loại rau ăn kèm này rất giàu đạm, lại chứa hàm lượng lớn vitamin E và các chất chống oxy hóa, có tác dụng làm đẹp, giảm cân, tăng cường sức khỏe.
Có 2 cách để bạn thưởng thức giá đỗ khi ăn kèm phở, đó là dùng giá sống hoặc giá trụng. Giá sống ngọt và mát hơn nhưng giá trụng lại rất giòn, mang vị thơm đặc trưng, cực hấp dẫn.
Bên cạnh đó, việc chần qua nước nóng đảm bảo vệ sinh hơn nên nhiều người chọn phương án này.
1.6 Hành tây
Hành tây là nguyên liệu nhất định phải có khi chế biến, từ phở gà, phở bò cho tới phở dê. Hành vị cay nhẹ, ngọt thanh, có khả năng kháng viêm và điều chỉnh đường huyết cực ổn.
Không chỉ vậy, hành tây khi được chần qua hoặc nấu chín còn có mùi vị rất hấp dẫn.
Ngoài ra, hành tây tươi còn được bổ múi cau để xếp lên tô phở hoàn thiện trước khi rưới nước dùng nóng già.
Cách chế biến này giúp hành giữ trọn vị ngọt, độ giòn và ăn cùng thịt bò, nước lèo thì “bao phê”.
✦✦✦ GIẢI MÃ SỨC HÚT MÓN: Phở bát đá
1.7 Lá chanh
Trong tô phở gà nhất nhất phải có vài sợi rau ghém này mới đảm bảo thơm ngon, chuẩn vị. Lá chanh có mùi thơm không lẫn vào đâu, cách xa 3 mét cũng còn ngửi thấy.
Và cũng không biết vì sao, loại rau gia vị này cùng thịt gà lại tạo ra độ hòa quyện tuyệt vời đến vậy.
Để thưởng thức phở gà đúng điệu, bạn nên rửa sạch, xắt thật mỏng lá chanh. Sau đó, rắc vài sợi vào tô phở đã chan nước lèo. Lưu ý không cho lá chanh vào tô và xối nước nóng già trực tiếp.
Cũng không thả lá chanh vào nồi nấu phở đang sôi vì dưới nền nhiệt cao, thành phẩm sẽ rất dễ bị đắng.
1.8 Tía tô
Đúng như tên gọi, lá tía tô có màu tía ở mặt dưới của lá hoặc cả 2 mặt. Viền lá có hình răng cưa nhưng rất mềm mại, không sắc nhọn như mùi tàu. Mặt lá hơi rám, độ ma sát cao và chứa hàm lượng tinh dầu cực lớn.
Rau thường được dùng trong món phở gà nhiều hơn là phở bò, đặc biệt thơm ngon khi dùng kèm phở trộn. Ngoài ra, tía tô còn là cây thuốc Nam nổi tiếng với 2 tác dụng rất đắt giá là hạ sốt và giải cảm.
✸✸✸ CHIA SẺ: Cách nấu phở gà kiểu bắc
1.9 Kinh giới
Thoạt nhìn bạn sẽ thấy lá kinh giới trông rất giống lá tía tô, thậm chí mùi vị cũng tương tự. Tuy nhiên điểm khác là kinh giới có lá nhỏ hơn, thân và lá đều có màu xanh lục.
Vị của kinh giới cũng dịu và ngọt hơn nên chúng được dùng nhiều hơn trong món phở cổ truyền
Loại rau đặc biệt này được dùng cho phở bò. Khi dùng, chúng thường được để nguyên đọt và ghém cùng phần topping để thưởng thức.
Vị cay nhẹ của kinh giới xen lẫn vị mềm thơm của thịt nấu phở cùng chút nước dùng nóng sốt chắc chắn sẽ là trải nghiệm bạn không bao giờ quên.
1.10 Húng láng
Húng láng là loại rau làm nên phong vị rất riêng của phở gà Hà Nội. Loài thực vật này được đặt dựa trên địa danh một ngôi làng ở Hà Nội, nơi chuyên trồng trọt và cung ứng đi mọi miền.
Dấu hiệu nhận diện của húng láng là lá nhỏ hình oval, bờ viền tròn đều, thân màu đỏ tía. Chúng có hương thơm dịu, vị ngọt thanh và ăn cùng phở ngon “hết nước chấm”.
1.11. Hẹ
Hẹ là một “người anh em” của hành, được trồng và sử dụng ít hơn. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là sức hấp dẫn của chúng kém cạnh hành hoa.
Ngược lại, một bộ phận không nhỏ những “tín đồ” yêu phở còn luôn dành sự ưu ái cho loại rau gia vị đặc biệt này.
Lá hẹ có phần thân và bẹ rất nhỏ, ở trạng thái tươi, chúng có mùi hăng nhẹ. Tuy nhiên, khi được chần qua lại mang hương thơm nhẹ nhàng, dễ gây kích thích vị giác.
Chẳng những vậy, lá hẹ còn là loại rau tốt cho sức khỏe vì giúp lưu thông khí huyết, tiêu viêm, giảm ho. Đặc biệt có lợi khi sử dụng vào mùa đông hay khi thời tiết chuyển mùa.
1.12 Húng bạc hà (húng lủi)
Loại rau này giống bạc hà đến nỗi “bạc hà” trở thành một phần tên gọi của chúng. Thậm chí mùi vị cũng tương đồng đến 60-70%, chỉ khác là húng có vị cay nhẹ hơn, mùi hơi nồng và ngọt hậu khi thưởng thức.
Lá húng lủi khá nhỏ như đồng xu, tròn đều, sờ có độ nhám đặc trưng. Khi ăn cùng phở, húng lủi thường được để nguyên cọng và nhúng nhanh trong nước phở nóng.
Để tiết chế độ nồng của loại rau ghém này, người ta thường dùng cùng nhiều loại rau gia vị khác.
Khi đó, nhược điểm sẽ được khắc phục, đồng thời mùi vị húng lủi sẽ hòa quyện cùng húng quế, húng láng, ăn với phở đảm bảo ngon hết ý.
2. Bỏ túi ngay những lưu ý khi ăn rau kèm phở
2.1 Làm sạch trước khi thưởng thức
Đây là khâu đặc biệt quan trọng bởi nếu các thành phần nguyên liệu không đảm bảo vệ sinh thì dù ngon đến mấy cũng không thể an lòng khi thưởng thức.
Theo đó, cách làm sạch cơ bản nhất chính là nhặt bỏ gốc, lá vàng, cọng cứng, sau đó ngâm nước muối loãng (0,9%) trong 10-15 phút.
2.2 Chọn rau ăn kèm phù hợp
Mỗi loại phở sẽ có những loại rau ăn kèm tương ứng. Hành, mùi tàu, giá đỗ, mùi, húng quế, húng láng… là những đại diện có thể dùng cho các loại phở.
Lá chanh thường chỉ dùng cho phở gà. Hành tây, lá hẹ, kinh giới… thường chỉ dùng cho phở bò, phở dê (kinh giới rất kỵ thịt gà).
Ngoài ra, với mỗi tô phở, bạn chỉ nên dùng trên dưới 1 lạng rau. Không nên sử dụng với lượng lớn hoặc quá nhiều loại sẽ dễ gây phản tác dụng.
2.3 Nên ăn chín để hạn chế tối đa vi khuẩn
Vốn là các loại rau ghém nhưng lời khuyên dành cho bạn là không nên ăn riêng mà hãy nhúng vào nước phở nóng già trước khi thưởng thức.
Vì đã là rau sống thì dù bạn có sơ chế kỹ đến mức nào thì vi khuẩn, sinh vật gây hại vẫn còn tồn tại ít nhiều trên bề mặt rau. Vậy nên, cách tốt nhất là xử lý bằng nhiệt cho chín tới để đảm bảo VSATTP bạn nhé!
Trong 12 loại rau ăn phở mà chúng tôi vừa giới thiệu, bạn tâm đắc với lựa chọn nào nhất? Chắc chắn khi đã hiểu rõ về những lợi ích tuyệt vời đi kèm thì hẳn bạn sẽ càng thêm yêu thích phải không?